Tiểu sử Nguyễn_Công_Cơ

Nguyễn Công Cơ là người làng Minh Tảo, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Năm Đinh Sửu (1697) dưới triều Lê Hy Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 23 tuổi, là người đỗ trẻ nhất khoa đó[1]. Ông được bổ làm Hiệu thảo trong Viện Hàn lâm.

Năm Giáp Thân (1704), vì tố cáo việc mưu phản của nhóm Trịnh Luân và Trịnh Bạt [2], ông được thăng chức Tả thị lang Bộ Công.

Năm Ất Mùi (1715), Nguyễn Công Cơ làm Chánh sứ sang triều Thanh (Trung Quốc). Khi đi sứ về (Bính Thân, 1716), ông được thăng làm Thượng thư bộ Binh.

Năm Canh Tý (1720), xét thưởng quan lại có thành tích trong 10 năm, ông là người đứng đầu, được phong tước Tảo (hay Cảo) quận công, cho hợp cùng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng vào làm Tham tụng.

Vì nói thẳng mấy lần, nên ông bị đè nén, bèn xin đổi sang hàng quan võ, làm Đề đốc Thự phủ sự, sau trải đến Thiếu bảo. Năm Đinh Mùi (1727), chúa Trịnh Cương cho tạm coi việc ở phủ chúa.

Đến năm Quý Sửu (1733) Nguyễn Công Cơ mất lúc 58 tuổi, được triều đình truy tặng hàm Thiếu phó. Tuy làm quan lớn, nhưng ông không có sản nghiệp riêng, có tiếng là thanh bần [3].

Tác phẩm của ông hiện còn 9 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục, và bài tựa ở sách Quần hiền phú tập.